Ông Đoàn Văn Khanh (77 tuổi, ngụ xã Song Thuận, Châu Thành, Tiền Giang) được biết đến là một nông dân trồng bưởi hay tìm tòi cách thức để tạo ra sản phẩm độc đáo.
Mới đây, ông Khanh tiếp tục được chú ý khi xây dựng hoàn thành nhiều công trình bằng chai nhựa phế thải. Khách đến nhà ông Khanh khi thấy những công trình này đều không khỏi trầm trồ, nhiều người gọi ông là "dị nhân".
Ông Khanh chia sẻ, hằng ngày khi đi lại nhìn thấy túi nilon, chai lọ nhựa bị vứt khắp nơi gây mất mỹ quan, ô nhiễm, tắc mương nước và lãng phí thì ông đã nảy sinh ý tưởng biến chúng thành vật dụng hữu ích.
Trong 2 năm dịch bệnh, công việc ít, nhiều thời gian rảnh nên ông đã cùng người nhà và khuyến khích mọi người xung quanh thu thập chai lọ nhựa, sau đó chế tạo ra bàn ghế để ngồi.
"Càng làm tôi lại càng thích. Tôi nghĩ những chai lọ này rất lâu mới phân hủy, lại nhẹ nên cũng có thể dùng làm vật liệu xây dựng được. Ban đầu tôi dựng hàng rào xung quanh vườn. Sau đó lại xây dựng nhà chòi giữa hồ, rồi xây cả dãy nhà bằng chai nhựa.
Để xây dựng được các công trình như vậy chúng tôi đã vận động thu nhặt hàng trăm nghìn chai nhựa. Sắp tới tôi còn có ý tưởng dùng chai nhựa làm nhiều vật dụng khác nữa", ông Khanh cho biết.
Trong các công trình bằng chai nhựa của ông Khanh, nổi bật nhất là nhà chòi ở giữa hồ sen. "Ngôi nhà" không lớn nhưng mọi thứ từ cột, sàn, mái, bàn ghế, lan can đều được làm từ chai nhựa.
Bức tường bao quanh khu đất rộng hơn 2000 m2 cũng được ông Khanh làm hoàn toàn từ chai nhựa. Những đoạn tường đầu tiên ông Khanh làm móng chắc chắn, gia cố bằng bê tông. Tuy nhiên khi nhận thấy "tường chai nhựa" rất nhẹ nên ông chỉ dùng bê tông làm cột trụ, còn lại bức tường làm 100% từ chai nhựa.
Một dãy nhà dài gần 15 m cũng được ông Khanh làm hoàn toàn từ chai nhựa từ sàn, tường lên đến mái nhà.
"Từ khi tôi vận động mọi người thu thập chai lọ, túi bóng để làm các công trình thì rác thải nhựa quanh vùng đã giảm hẳn. Có những thứ chúng ta vứt đi nhưng thực tế vẫn còn dùng được, còn có ích. Tôi mong muốn những công trình từ phế thải của mình có thể tạo cảm hứng, truyền thông điệp cho mọi người tiết kiệm, bảo vệ môi trường", ông Khanh chia sẻ.