Phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ muốn địa phương đầu tư hơn nữa cho nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.
Buổi làm việc của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cùng lãnh đạo địa phương diễn ra chiều 14/12 tại Sóc Trăng. Tại đây ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết, thời gian qua tỉnh đã triển khai nhiều đề tài, tham gia chương trình khoa học và công nghệ quốc gia.
Theo ông Lâu, các đề tài, dự án góp phần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, phát triển sản phẩm có lợi thế của địa phương, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. "Thành công này có sự quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ rất lớn của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị liên quan", ông nói và mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại, thông minh trong bảo quản, chế biến các sản phẩm nông, thuỷ sản đặc trưng như trái cây, tôm cá, lúa gạo...
Ghi nhận các kết quả, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, Sóc Trăng cần chú trọng hơn nữa việc đầu tư phát triển nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; góp phần đưa lĩnh vực này làm trụ cột phát triển kinh tế xã hội địa phương và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, ưu tiên các lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản, cây ăn trái.
Ông cũng đề nghị Sóc Trăng thúc đẩy việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ; phát huy vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong khu vực, trong đó có việc lập phân hiệu đại học Cần Thơ tại tỉnh này.
Hiện Sóc Trăng có tổng diện tích trồng lúa hàng năm hơn 330.000 ha, sản lượng hơn hai triệu tấn; trong đó lúa thơm, đặc sản chiếm đa số. Tỉnh có hơn 54.000 ha nuôi tôm nước lợ, 28.000 ha trái cây đặc sản, 7.000 ha hành tím...
Theo đó kỹ sư, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng dự án phát triển xanh cho miền Tây. Trong đó, có chương trình phát triển sản xuất gạo an toàn sinh học. Theo ông Cua, chương trình này "không tăng chi phí nhưng giá trị hạt gạo, xuất khẩu có thể tăng 30%". Ông cũng muốn Bộ hỗ trợ miền Tây đầu tư, nghiên cứu giữ lại phẩm chất hạt các loại giống lúa tốt, chiếm phần lớn tỷ trọng gạo xuất khẩu...
Ông Trần Tấn Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ dự án chuyển đối số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, canh tác thông minh, sản xuất an toàn... cho hợp tác xã để có thể nhân rộng, áp dụng vào thực tế sản xuất, kinh doanh nông sản tại địa phương.
Liên quan đến kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phân công các đơn vị trong Bộ cùng với Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng hướng dẫn xây dựng cơ chế chính sách, đề xuất kế hoạch phát triển các nghiên cứu về giống, các sản phẩm chủ lực. Đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn Sóc Trăng giải pháp truy xuất nguồn gốc, đổi mới trong hoạt động đo lường; xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp...
Trưa cùng ngày, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt dẫn đầu đoàn công tác đến thăm Trại nghiên cứu và sản xuất lúa giống của kỹ sư, anh hùng lao động Hồ Quang Cua ở huyện Mỹ Xuyên.
Tại đây, ông chúc mừng kỹ sư Hồ Quang Cua cùng cùng nhóm các nhà khoa học nghiên cứu, lai tạo giống lúa ST 24, ST25, đạt các giải thưởng trong nước và quốc tế. Đặc biệt, với công trình "Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa thơm Sóc Trăng ST24 và ST25 giai đoạn 2008 - 2016", kỹ sư Hồ Quang Cua và 2 cộng sự là: Tiến sĩ Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng và Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương vừa được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ.