Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN không chính thức lần thứ 12 (IAMMSTI-12), Hội nghị Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN lần thứ 83 (COSTI-83) và các cuộc họp liên quan

Quốc Khánh
Trong thời gian từ ngày 18-22/6/2023 tại Brunei Darussalam, Đoàn công tác Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy làm Trưởng đoàn, đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN không chính thức lần thứ 12 (IAMMSTI-12), Hội nghị Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN lần thứ 83 (COSTI-83) và các cuộc họp liên quan. Hội nghị có sự tham dự của Lãnh đạo Bộ phụ trách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các nước thành viên ASEAN và Phó Tổng Thư ký ASEAN.

Tại Hội nghị IAMMSTI-12, các Bộ trưởng tập trung thảo luận nội dung nhằm tiếp tục thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh các nước thành viên ASEAN đang nỗ lực phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Hội nghị ghi nhận kết quả của Nhóm công tác tư vấn xây dựng Chương trình hành động ASEAN về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (APASTI) giai đoạn 2026-2035 trong đó tăng cường vai trò của Ban Tư vấn COSTI (BAC), khai thác hiệu quả Quỹ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (ASTIF); nâng cao vai trò tích cực của các nước ASEAN điều phối quan hệ đối tác đối thoại; thúc đẩy hợp tác với các đối tác đối thoại ASEAN, các tổ chức, thể chế khu vực và quốc tế.

Hội nghị IAMMSTI-12 đã ghi nhận các kết quả đạt được của danh mục ưu tiên hoạt động của COSTI năm 2023 bao gồm: (i) Thiết lập Trung tâm Quản lý Công nghệ ASEAN (Giai đoạn II); (ii) Triển khai Hội thảo về Trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực an ninh năng lượng, nông nghiệp, an ninh mạng và các vấn đề mới nổi; (iii) Triển khai Mạng lưới ASEAN về nền kinh tế xanh, tuần hoàn - sinh học (Giai đoạn II); (iv) Xây dựng Chiến lược Cơ sở hạ tầng Nghiên cứu khu vực ASEAN; (v) Thiết lập nền tảng giáo dục khoa học và công nghệ; (vi) Thiết lập Lộ trình Kinh tế Xanh ASEAN: Ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; (vii) Triển khai Sáng kiến Chẩn đoán ASEAN 2023.

Trên cơ sở nội dung thảo luận tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng đã nhất trí thông qua danh mục 05 hoạt động ưu tiên trong năm 2024 của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN (COSTI), bao gồm: (i) Trung tâm Quản lý Công nghệ ASEAN (Giai đoạn III); (ii) Phát triển Chiến lược Cơ sở hạ tầng Nghiên cứu khu vực ASEAN (Giai đoạn II); (iii) Thiết lập Sáng kiến Khởi nghiệp ASEAN; (iv) Thiết lập Cộng đồng huy động tài năng ASEAN; (iv) Hướng dẫn thực hiện đánh giá khả năng phục hồi năng lượng ASEAN, nâng cao năng lực phục hồi năng lượng ASEAN.

Đặc biệt, các Bộ trưởng đã dành thời gian để chia sẻ, thảo luận nội dung về chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với vấn đề trung hòa carbon và tăng trưởng bền vững. Theo đó, các Bộ trưởng cùng thống nhất bày tỏ cam kết hợp tác chặt chẽ trong việc thúc đẩy xây dựng Chiến lược ASEAN về trung hòa carbon. Đồng thời, các Bộ trưởng cũng ghi nhận tầm quan trọng của tăng trưởng bền vững của ASEAN thông qua chuyển giao và phát triển công nghệ, tận dụng tương tác năng động giữa các bên trong hệ thống đổi mới sáng tạo: khối học thuật, các nhà hoạch định chính sách, khối công nghiệp và xã hội.

Tham gia thảo luận tại Hội nghị IAMMSTI-12, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đã chia sẻ, trao đổi một số nội dung phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với vấn đề carbon trung lập và tăng trưởng bền vững ASEAN và Việt Nam. Đối với Việt Nam, vấn đề thúc đẩy tăng trưởng xanh là nhiệm vụ then chốt để tạo ra nền tăng trưởng bền vững, không chỉ cho hiện tại mà còn cho các thế hệ mai sau. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào năm 2021 với mục tiêu tổng thể là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, kết hợp với chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đạt được sự thịnh vượng kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng xã hội. Tăng trưởng xanh nhằm tạo điều kiện chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và không phát thải các-bon, giảm thiểu nhiệt độ toàn cầu. Để đạt được mức phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050, Việt Nam chú trọng đầu tư vào các giải pháp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm phát triển năng lượng sạch và xanh; phát triển hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng; ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số vừa mang lại lợi thế cạnh tranh, vừa giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Từ góc độ khu vực ASEAN, ASEAN đã đề ra 08 yếu tố hỗ trợ quan trọng để cụ thể hóa Chiến lược về trung hòa carbon. Với vai trò là cơ quan hợp tác chuyên ngành về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong ASEAN, Việt Nam đề xuất COSTI xem xét thực hiện các sáng kiến khả thi để đẩy nhanh tính trung lập carbon bằng cách thực hiện các chương trình hoặc khuôn khổ hợp tác STI phù hợp với sự tham gia của tất cả các Quốc gia Thành viên ASEAN, và đặc biệt là với sự hợp tác của các đối tác đối thoại của ASEAN. Đối với những bước đầu tiên, điều quan trọng là phải hợp tác để tìm ra lợi thế cạnh tranh khu vực về công nghệ các-bon thấp nhằm xác định các sản phẩm khử cacbon có thể giúp các nước thành viên ASEAN đạt được quy mô kinh tế và cải thiện khả năng cạnh tranh tổng thể. Bên cạnh đó, các hoạt động như hỗ trợ chính sách cho các nước thành viên ASEAN bằng cách chia sẻ các thông lệ tốt nhất về khuyến khích ưu đãi; hoặc tạo điều kiện cho sự di chuyển của tài năng xanh bằng cách chia sẻ phát triển kỹ năng xanh, v.v. nên được thúc đẩy.

Các Bộ trưởng cũng đã xem xét, thông qua Báo cáo của Hội nghị COSTI-83 do Chủ tịch COSTI - Brunei Darussalam trình bày.

Trước khi Hội nghị IAMMSTI-12 khai mạc, đã diễn ra Lễ chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN COSTI luân phiên giữa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2022 và Brunei Darussalam; Hội nghị COSTI-83 và các cuộc họp liên quan bao gồm: Cuộc họp của Ban Tư vấn COSTI lần thứ 14 (BAC-14); Cuộc họp Tiểu ban về cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn lực KH&CN lần thứ 56 (SCIRD-56), Cuộc họp Ủy ban Hợp tác khoa học và công nghệ ASEAN - Nhật Bản lần thứ 12 (AJCCST-12).

Hội nghị COSTI-83 có sự tham dự của Chủ tịch COSTI của các nước thành viên ASEAN (cấp Thứ trưởng) và Ban Thư ký ASEAN. Hội nghị COSTI-83 đã thông qua các nội dung quan trọng bao gồm: tình hình triển khai các dự án hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tình hình hợp tác với các đối tác đối thoại ASEAN và các Quỹ Đối thoại ASEAN; Quỹ hỗ trợ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ASEAN; chia sẻ quan điểm tại Phiên họp hẹp COSTI tập trung thảo luận về hiện trạng cơ cấu tổ chức, cơ chế hỗ trợ kinh phí; hoạt động của Ban Tư vấn và các Tiểu ban trực thuộc COSTI; đề xuất các nội dung tập trung hoạt động của COSTI giai đoạn 2026-2035… Cũng tại Hội nghị COSTI-83, Việt Nam đã trình bày báo cáo cập nhật về tình hình hợp tác đối thoại giữa ASEAN và Hàn Quốc với vai trò nước điều phối hợp tác đối thoại ASEAN - Hàn Quốc nhiệm kỳ 2021-2023.

Dự kiến, Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN lần thứ 20 (AMMSTI-20) sẽ được tổ chức vào năm 2024 tại Campuchia./.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN