Trong những năm gần đây, bên cạnh một số giống gà địa phương được nuôi khá phổ biến như gà Ri Vàng Rơm ở miền Bắc, gà Tàu Vàng ở Miền Nam, việc phát triển chăn nuôi một số giống gà địa phương khác với quy mô lớn như Gà Nòi Nam Bộ, gà Tre, gà Ninh Hòa đã đem lại sự đa dạng hóa sản phẩm và việc làm cho người nông dân. Gà Nòi Nam Bộ phân bố nhiều ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp. Về ngoại hình lúc trưởng thành của gà Nòi Nam Bộ nhỏ hơn so với gà Nòi miền Trung nhưng có ưu điểm là tình tình hiền hơn so với gà Nòi Miền Trung, trong cùng một đàn không đánh nhau, cơ thể đầy đủ lông trên cả con trống và mái.
Nguồn con giống được nuôi giữ chủ yếu trong các hộ gia đình nên không thể tránh khỏi sự pha tạp nên rất nhiều màu lông, độ đồng đều của con giống rất thấp và năng suất chưa được ổn định. Do vậy, việc nghiên cứu chọn lọc nhân thuần và nâng cao năng suất giống gà Nòi Nam Bộ để tạo ra nguồn con giống có chất lượng cao phục vụ nhu cầu của sản xuất là rất cần thiết. Gà Tre có lâu đời ở vùng Đông Nam Bộ và hiện nay được phân bố ở Long An, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh và một số ít tỉnh phía Bắc. Hiện nay, gà Tre nuôi thịt thương phẩm đã trở thành một nguồn sản phẩm thịt gia cầm được tiêu thụ rất nhiều ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Cơ sở chăn nuôi gà Tre giống Huỳnh Thị Ánh Nguyệt tại ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã thu nạp và nuôi giữ 2000 mái gà Tre sinh sản, hàng năm sản xuất 100.000 - 1.200.000 gà con 1 giống nuôi thịt để cung cấp cho các cơ sở chăn nuôi thịt thương phẩm. Gà Ninh Hòa (hay còn gọi là gà Ri Ninh Hòa) là giống gà địa phương có nguồn gốc tại huyện Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một nghiên cứu chính thức nào liên quan đến giống gà Ninh Hòa được công bố. Cũng như các giống gà địa phương khác, gà Ninh Hòa do được nuôi chủ yếu trong nông hộ với quy mô đàn nhỏ nên công tác tự phát, tạp giao từ đời này qua đời tại các hộ gia đình nên khác nên độ đồng đều của gà Ninh Hòa thấp, Do đó, việc áp dụng các biện pháp chọn lọc nhân thuần theo đúng phương pháp khoa học và phù hợp với điều kiện của cơ sở giống để có đàn giống có năng suất cao là cần thiết. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào liên quan đến giống gà Ninh Hòa, chưa có cơ sở nào tiến hành chọn lọc, nhân giống, đánh giá khả năng sản xuất một cách có hệ thống cùng với quy trình chăn nuôi thú y phù hợp. Việc sản xuất giống gà Ninh Hòa còn do tự phát, tạp giao từ đời này qua đời khác tại các hộ gia đình nên nguy cơ thoái hóa giống rất cao. Như vậy, việc nghiên cứu đánh giá về khả năng sản xuất và áp dụng các giải pháp chọn lọc, nhân thuần để có được nguồn con giống có độ đồng đều cao về ngoại hình, năng suất là rất cần thiết. Do đó, nhóm nghiên cứu do ThS. Đồng Sỹ Hùng, Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng đầu đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chọn lọc nâng cao năng suất một số giống gà Nội ở khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ” nhằm nâng cao năng suất thịt và trứng của 3 giống gà nội (gà Tre, gà Nòi, gà Ninh Hoà) lên 15 - 20%.
Kết quả thực hiện chọn lọc nâng cao năng suất trên gà Nòi Nam Bộ, gà Tre và gà Ninh Hòa có các chỉ tiêu về khối lượng cơ thể, năng suất trứng/mái/năm đạt và vượt mục tiêu đề ra. Cụ thể như sau:
- Gà Nòi Nam Bộ sau 1 thế hệ chọn lọc cho đến thế thứ 2 (P1) lúc 15 tuần tuổi khối lượng trung bình cơ thể gà mái cơ thể gà mái là 1.315,2 g/con, gà trống là 1.520,4 g/con, năng suất trứng/mái/năm là 71,5 quả, đạt 100 % chỉ tiêu đề ra. Gà Tre đến thế hệ thứ 4, lúc 15 tuần tuổi khối lượng trung bình cơ thể gà mái cơ thể gà mái là 810,3 g/con, gà trống là 1.025,4 g/con, năng suất trứng/mái/năm là 102,1 quả. Với trị số CV% là 14,7% và hệ số di truyền về khối lượng cơ thể lúc 56 ngày tuổi của đàn gà Tre ở thế hệ P3 là 0,34 cho tính trạng này cho đàn gà đang đi vào ổn định.
- Đối với gà Ninh Hòa, đến thế hệ chọn lọc thứ 4 lúc 12 tuần tuổi khối lượng trung bình cơ thể gà mái là 1524,5 g/con, gà trống là 1816,3 g/cong/con, năng suất trứng/mái/năm là 100,3 quả. Với trị số CV% là 15,5% và hệ số di truyền về khối lượng cơ thể lúc 56 ngày tuổi của đàn gà Ninh Hòa ở thế hệ P3 là 0,19 cho thấy tính trạng này cho đàn đã ổn định.
Đề tài đã hoàn thiện quy trình chăn nuôi cho từng giống gà trên cơ sở các kết quả nghiên cứu về mức dinh dưỡng (protein và lysine) và mức ăn phù hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển và sản xuất để có năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Trên cả 3 đàn gà Nòi Nam Bộ, gà Tre, gà Ninh Hòa với thành phần dinh dưỡng của thức ăn giai đoạn từ 1 - 8 tuần tuổi có năng lượng trao đổi (ME) 2.950 kcal/kg, hàm lượng protein không được thấp hơn 18%, lysine từ 0,85 %; Giai đoạn từ 9 - 20 tuần tuổi (gà Tre 8 – 15 tuần tuổi) thức ăn có năng lượng trao đổi (ME) 2.750 kcal/kg, hàm lượng protein là 16% và lysine tối thiểu là 0,70 %.Giai đoạn sinh sản thức ăn có năng lượng trao đổi (ME) 2.850 kcal/kg, hàm lượng protein là 18% và lysine là 0,85 % cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Nghiên cứu về mức ăn cho gà mái sinh sản trên gà Nòi Nam Bộ, gà Tre và gà Ninh Hòa cho thấy: giai đoạn từ 1 - 8 tuổi cho ăn tự do, giai đoạn từ 9 tuần tuổi đến đẻ 5% cho ăn để có khối lượng cơ thể bằng 90% so với ăn tự do, giai đoạn từ đẻ 5% đến đỉnh đẻ cho ăn tự do và giai đoạn sau đỉnh đẻ cho khả năng sản xuất cho năng suất trứng và hiệu quả kinh tế cao hơn so với gà ăn tự do.
Kết quả nghiên cứu đã đưa ra được hướng dẫn về mức ăn/ngày/con và khối lượng cơ thể cần đạt của 1 tuần từ 9 tuần tuổi đến đẻ 5%, hướng dẫn cách tính toán lượng thức ăn/con/ngày của 1 tuần cho gà sinh sản sau giai đoạn đỉnh đẻ của từng giống gà. Đề nghị xem xét chuyển sang sản xuất thử nghiệm gà Tre và gà Nòi Nam Bộ trong thực tế sản xuất.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16673/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)