Trước đây G-CSF được thu nhận bằng cách nuôi cấy các dòng tế bào của người có khả năng sản xuất G-CSF như dòng tế bào ung thư bàng quang, dòng tế bào ung thư khoang miệng (CHU-2)… Tuy nhiên, lượng G-CSF thu được không cao, với 5 lít dịch nuôi cấy tế bào CHU-2 chỉ thu được khoảng 600 mcg G-CSF. Năm 1986, với sự phát triển của công nghệ sinh học, đặc biệt là công nghệ protein tái tổ hợp, hG-CSF tái tổ hợp đầu tiên được sản xuất thành công bằng công nghệ gen trong E. coli bởi công ty Amgen (Hoa Kỳ). Năm 1991, G-CSF tái tổ hợp của Amgen đã được FDA (Food & Drug Administration - Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ) cấp phép lưu hành với tên thương mại là Neupogen (Filgrastim), được chỉ định cho các bệnh nhân ung thư điều trị bằng phương pháp hóa trị bị neutropenia. Năm 1994, G-CSF được cấp phép sử dụng cho các bệnh nhân cấy ghép tủy xương để thúc đẩy sự hồi phục số lượng bạch cầu hạt trung tính.
Ở Việt Nam, tình hình ung thư đang có xu hướng tăng cao, các bệnh nhân ung thư cần chữa trị ngày càng gia tăng. Phương pháp chữa trị ung thư ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là hóa trị liệu nên nhu cầu sử dụng G-CSF để giảm thiểu rủi ro trong quá trình điều trị là tất yếu. Sản phẩm G-CSF thương mại có mặt ở Việt Nam hiện nay là Neupogen® do công ty Amgen đã hết bản quyền vào tháng 3/2006 là cơ hội cho việc sản xuất G-CSF giá thành rẻ ở Việt Nam. Công ty Công nghệ sinh học dược Nanogen là công ty tiên phong đi đầu trong lĩnh vực sản xuất protein tái tổ hợp ở Việt Nam. Sản phẩm protein tái tổ hợp đầu tiên của công ty này đang được lưu hành trên thị trường Việt Nam và một số quốc gia khác trên thế giới là Feronsure (IFN) và Pegnano (PegIFN). Hiện nay công ty này đã nghiên cứu thành công một số protein tái tổ hợp biểu hiện trên dòng tế bào động vật và trên tế bào E. coli trong đó G-CSF trong nghiên cứu này cũng là nghiên cứu thành công của công ty. Sản phẩm G-CSF của Nanogen đang được đưa ra thị trường với tên thương mại là Ficocyte.
Với những thành tựu của mình, năm 2014, nhóm nghiên cứu của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen do TS. Đỗ Minh đứng đầu tiếp tục thực hiện Dự án: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất thuốc peginterferon lambda 1, pegfilgrastim đạt tiêu chuẩn châu Âu”.
Sau 5 năm thực hiện (tháng 4/2014 đến tháng 3/2019), Dự án đã hoàn thiện đầy đủ các nội dung (gồm các công nghệ, dây chuyền công nghệ, chất lượng sản phẩm) đảm bảo, được hội đồng nghiệm thu khoa học thông qua, cụ thể:
1- Đã xây dựng thành công qui trình sản xuất Pegcyte ở quy mô 2.500 bơm tiêm/mẻ; mỗi bơm tiêm chứa 6mg Pegfilgrastim;
2- Đã xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở của nguyên liệu Pegfilgrastim và thành phẩm bơm tiêm Pegcyte;
3- Đã sản xuất 7 lô Pegcyte (15660 bơm tiêm), 6mg, đạt tiêu chuẩn cơ sở.
4- Đã có báo cáo kết quả thử nghiệm hiệu quả điều trị Pegcyte và được Hội đồng khoa học chuyên ngành thông qua.
Sản phẩm PEGLAMDA được đăng ký bảo hộ bản quyền bởi công ty Nanogen tại Việt Nam và một số quốc giá ở Đông Nam Á, Trung Mỹ và Châu Phi, dưới tên thương mại là PEGLAMDA. Sản phẩm PEGLAMDA sẽ được công ty đưa ra thị trường dưới bơm tiêm. Quy trình sản xuất PEGLAMDA dạng bơm tiêm đóng sẵn thuốc sẽ bao gồm: dây chuyền sản xuất nguyên liệu, dây chuyền đóng bơm tiêm. Quy mô sản xuất trung bình hàng năm ước đạt 30.000 bơm tiêm/lô, mỗi bơm tiêm chứa 180 cmg Peginterferon lamda 1.
Sự thành công của đề tài là nền tảng để sản xuất thuốc điều trị thiếu máu do suy thận mạn và do quá trình điều trị ung thư với qui mô công nghiệp, mở ra hướng mới cho cơ sở sản xuất. Hiện đại hoá và đa dạng hoá ngành công nghiệp Dược Việt nam. Góp phần xây dựng và phát triển tiềm lực về cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho nghiên cứu triển khai CNSH trình độ cao đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ, phục vụ nền kinh tế quốc dân. Chủ động trong việc sản xuất thuốc đặc trị và cung ứng cho nhu cầu trong nước cũng như tiến tới việc thúc đẩy xuất khẩu thuốc ra thị trường nước ngoài, giảm gánh nặng điều trị cho bệnh nhân.
Có thể thấy rằng, việc công ty Nanogen có thể sản xuất thành công một số sản phẩm sinh dược phẩm là một tín hiệu rất đáng mừng cho công nghiệp dược nước ta. Đây là một bước đột phá để tiếp cận trình độ thế giới, góp phần làm giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Sản xuất thành công chế phẩm sẽ giúp cung cấp cho thị trường Việt Nam dòng sản phẩm điều trị thiếu máu do suy thận mạn và do quá trình điều trị ung thư có chất lượng bảo đảm và giá thành cạnh tranh góp phần bình ổn giá thuốc.
Với nguồn nhân lực đã có cộng với trang thiết bị được đầu tư hiện đại, chúng ta sẽ mở rộng được sự giao lưu và hợp tác quốc tế, dễ dàng nhận được sự hỗ trợ của các nhà khoa học nước ngoài để giải quyết những vấn đề khoa học công nghệ của nước ta.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16661/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)