Đồng chí Lê Xuân Định, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã nhấn mạnh như trên tại buổi làm việc của đoàn khảo sát Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 25/7/2008 (Nghị quyết số 25/NQ-CP) và 10 năm thực hiện kết luận số 80/KL-TW ngày 25/12/2013 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW (kết luận số 80/KL-TW) với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ KH&CN diễn ra ngày 5/8/2024 tại Hà Nội.
Đồng chí Trần Vũ Hải, Phó Chánh Văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ KH&CN cho biết, thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW lãnh đạo Bộ KH&CN đã ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản để cụ thể hóa các nhiệm vụ, chỉ tiêu nêu tại Nghị quyết số 25-NQ/TW và Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 11/9/2009. Bộ đã xây dựng và ban hành Quyết định số 3054/QĐ-BKHCN phê duyệt Chương trình phát triển thanh niên Bộ KH&CN giai đoạn 2013-2020 và Quyết định số 3055/QĐ-BKHCN ngày 03/10/2013 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thanh niên Bộ KH&CN giai đoạn 2013-2020.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về sử dụng, trọng dụng cán bộ KH&CN trẻ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển KH&CN, Bộ KH&CN đã xây dựng trình Chính phủ, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật KH&CN năm 2013. Cùng với Luật KH&CN, Bộ KH&CN đã tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn Luật tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho hoạt động KH&CN nói chung và cán bộ KH&CN nói riêng, trong đó có chính sách ưu đãi cho nhà khoa học trẻ; chính sách đào tạo, bồi dưỡng, phát triển lực lượng khoa học trẻ và tạo môi trường phát huy sức sáng tạo của thanh thiếu nhi; chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) cho học sinh, sinh viên; chính sách thu hút tài năng trẻ đang học tập, công tác, sinh sống ở nước ngoài.
Bộ KH&CN đã phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xây dựng Chương trình phối hợp hoạt động trong từng giai đoạn 5 năm nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho đoàn viên, thanh niên; khơi dậy tinh thần sáng tạo, khuyến khích thanh niên đề xuất ý tưởng, giải pháp sáng tạo có hàm lượng tri thức cao; đồng thời tạo môi trường thuận lợi để thanh niên tiếp cận, làm chủ KH&CN; bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Bộ KH&CN đã triển khai 07 đề tài nghiên cứu lý luận, đề xuất chính sách, xây dựng mô hình phát triển thanh niên trong giai đoạn 2015-2025 như: "Phát triển mô hình thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp"; "Chính sách và giải pháp phát triển nhân lực KH&CN trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030"; "Ứng dụng sử dụng khoa học dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong việc xây dựng mô hình can thiệp chăm sóc dinh dưỡng tối ưu và nâng cao thể lực cho thanh niên Việt Nam"; "Nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên Việt Nam trong tình hình mới"; "Nghiên cứu phát triển các mô hình áp dụng những biện pháp xử lý thay thế dựa vào cộng đồng đối với thanh thiếu niên vi phạm pháp luật thông qua hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh"; "Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng hệ thống tư pháp dành riêng cho người chưa thành niên ở Việt Nam"; "Những sai lệch xã hội trong thanh niên - Thực trạng và giải pháp".
Nhằm thúc đẩy đội ngũ khoa học trẻ tích cực trong nghiên cứu khoa học, Bộ KH&CN thông qua Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia triển khai 02 Chương trình phục vụ cho các nhà nghiên cứu trẻ dưới 35 tuổi là Chương trình nghiên cứu cơ bản và Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực KH&CN quốc gia, trong đó có các hoạt động hỗ trợ dành riêng cho nhà khoa học trẻ tài năng.
Từ năm 2015, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện thường niên "Ngày hội STEM quốc gia" nhằm kết nối, lan tỏa và nâng cao nhận thức về vai trò của KH,CN&ĐMST tới cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ, cùng xây dựng văn hóa yêu và đam mê nghiên cứu khoa học.
Trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) và Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1165), Bộ KH&CN đã phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu xây dựng khung chương trình đào tạo, chuyển giao tài liệu, hỗ trợ tổ chức đào tạo cơ bản, đào tạo nâng cao, chuyên sâu về khởi nghiệp ĐMST tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức các diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao với sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương tổ chức Hành trình khởi nghiệp ĐMST để lan toả tinh thần ĐMST tới lực lượng thanh niên trên cả nước.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Xuân Định khẳng định, để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 25/NQ-CP, Kết luận 80/KL-TW cần tập trung triển khai các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế và tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong hoạt động nghiên cứu.
Thứ hai, xây dựng và triển khai chính sách vượt trội về KH,CN&ĐMST và tạo dựng khuôn khổ pháp lý để triển khai cơ chế thử nghiệm và đặc thù đối với mô hình kinh tế mới dựa trên KH,CN&ĐMST.
Thứ ba, tăng cường thu hút đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho KH,CN&ĐMST, tập trung vào nguồn lực xã hội, trong đó doanh nghiệp là chủ yếu, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học trẻ, đặt hàng và thực hiện nghiên cứu KH,CN&ĐMST trong môi trường doanh nghiệp.
Thứ tư, phát triển mạnh nhân lực KH&CN, khuyến khích khu vực tư nhân, tăng cường các hình thức hợp tác công - tư, tham gia đào tạo nhân lực KH&CN, chú trọng phát triển nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao bắt kịp xu thế công nghệ tiên tiến mới nổi của thế giới, chú trọng đào tạo nhân lực kỹ thuật, nhân lực quản trị công nghệ, quản trị doanh nghiệp, quản trị ĐMST, tăng cường thu hút nhà khoa học Việt Nam, nhà khoa học quốc tế, nhà khoa học trẻ tham gia phát triển KH,CN&ĐMST của Việt Nam.
Thứ năm, phát triển hệ thống ĐMST quốc gia và nâng cao năng lực ĐMST của doanh nghiệp, trọng tâm là năng lực ĐMST công nghệ và năng lực quản trị của doanh nghiệp.
Thứ sáu, hoàn thiện cơ chế chính sách để tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả, sản phẩm KH,CN&ĐMST như một loại hàng hóa đặc biệt có giá trị, có quyền sở hữu và được lưu thông trên thị trường.
Thứ bảy, tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu lý luận để xây dựng chính sách cho công tác thanh niên trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 25/NQ-CP, kết luận số 80/KL-TW khẳng định trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP, kết luận số 80/KL-TW và đạt nhiều kết quả. Bộ KH&CN trong phạm vi quản lý ngành đã chủ động và tích cực xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát triển lực lượng khoa học trẻ và tạo môi trường phát huy sức sáng tạo của thanh niên, đồng thời lồng ghép nội dung liên quan đến đối tượng này vào trong các Chương trình, Đề án phát triển ngành và nhân lực KH&CN. Nhiều hoạt động đã được triển khai nhằm khơi dậy đam mê, đưa KH&CN đến gần hơn với thanh thiếu niên. Đồng chí Triệu Văn Cường nhấn mạnh, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP, kết luận số 80/KL-TW; nghiêm túc triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thanh niên; thực hiện tốt cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo của Bộ KH&CN để làm rõ thêm những kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP, 10 năm thực hiện Kết luận số 80-KL/TW để từ đó đề xuất các giải pháp tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết, Kết luận của Chính phủ.