Tạo động lực, thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ số phát triển

Quốc Khánh
Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số được thiết kế không nặng về tính quản lý Nhà nước mà chủ yếu thúc đẩy cho các DN đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số với các cơ chế, chính sách ưu đãi, quy trình, thủ tục thuận lợi nhất cho ngành công nghiệp này.

Bộ TT&TT đang xây dựng dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số với mục tiêu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp ICT, công nghiệp công nghệ số; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp này; đóng góp vào chuyển đổi số, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế...

Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cùng Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 29/8 tại Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Lịch - Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-Truyền thông (Bộ TT&TT) nhấn mạnh, trong xu thế tất yếu của chuyển đổi số, việc xây dựng hành lang pháp lý để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số là vô cùng cần thiết.

Quan điểm của cơ quan soạn thảo là xây dựng luật với các cơ chế, chính sách ưu đãi, quy trình, thủ tục thuận lợi nhất cho ngành công nghiệp công nghệ số, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) công nghệ số khởi nghiệp đổi mới sáng tạo số, thúc đẩy Make in Vietnam. Tuy nhiên, vẫn bảo đảm không làm thay đổi trách nhiệm, không chồng lấn chức năng quản lý Nhà nước của các bộ, ngành theo lĩnh vực được phân công.

Ông Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định, công nghệ số là động lực chính thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển. Những công nghệ mới hiện nay như IoT, AI, Big Data, Blockchain... đã tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội.


Ông Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Trong bối cảnh này, việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho ngành công nghiệp công nghệ số là điều cần thiết. Chậm nhất đến ngày 10/9 tới dự án luật sẽ được trình lên Quốc hội.

Hiện chưa có quốc gia nào trên thế giới có dự án luật này. Dự án Luật Công nghiệp Công nghệ số không phải là luật hoàn toàn mới mà được xây dựng trên cơ sở từ 1 chương của Luật CNTT. Do đó, đây là 1 thách thức đối với cơ quan soạn thảo cũng như với cơ quan thẩm tra. Ngay cả khái niệm "công nghiệp công nghệ số" chưa biết định hình như thế nào? Công nghệ số và công nghệ thông tin bản chất có khác nhau rõ rệt không, hay công nghệ số là ngưỡng phát triển cao hơn so với CNTT?

"Công nghệ số phát triển với tốc độ nhanh đang đặt ra không ít thách thức, dẫn đến đòi hỏi xây dựng khung pháp lý để đạt được sự cân bằng giữa quản lý Nhà nước và sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý và DN. Chúng tôi cảm nhận được rằng, luật này được thiết kế không nặng về tính quản lý Nhà nước mà chủ yếu thúc đẩy cho các DN đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số. Do đó, dự thảo xuất hiện nhiều từ, cụm từ như: ưu tiên, ưu đãi, thúc đẩy, phát triển...", ông Tuấn nêu.

Ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số lần này bổ sung quy định về thử nghiệm công nghệ, cho phép DN thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trong một môi trường kiểm soát. Điều này thể hiện sự cởi mở và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của công nghệ số, khuyến khích đổi mới sáng tạo.


Ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam.

Dự thảo luật thiết lập một hệ thống quản lý Nhà nước về công nghiệp công nghệ số thống nhất, minh bạch và hiệu quả, giúp tạo niềm tin cho các DN và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Trung, để các DN hoạt động công khai và hiệu quả hơn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, DN và cộng đồng. Cần có sự phối hợp giữa các bộ luật ở cấp thực thi của Chính phủ. Cần có các giải pháp cụ thể để nâng cao nhận thức của DN về các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận chính sách hỗ trợ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thư - Giám đốc điều hành Bay Global Strategies, Phó trưởng ban Kinh tế số, Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, cần tạo ra một cách tiếp cận bình đẳng và cân bằng để quản lý ngành một cách hiệu quả.

"Chúng tôi hiểu rằng dự thảo luật nhằm mục đích thiết lập một khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ các ngành công nghiệp công nghệ mới như công nghiệp bán dẫn, AI, blockchain... Tuy nhiên, chính sách của Bộ TT&TT trong việc ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số sản xuất trong nước có thể dẫn đến việc đối xử không công bằng với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài. Mục tiêu bao trùm của chính sách nên là lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất dựa trên thành tích/năng lực, bất kể nhà cung cấp có trụ sở ở đâu/dịch vụ được cung cấp từ đâu để mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân", bà Thư nói.

Liên quan đến vấn đề cơ chế ưu đãi, ông Nguyễn Khắc Lịch - Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT (Bộ TT&TT) cho biết, cơ quan soạn thảo không đưa ra cơ chế ưu đãi mà dẫn chiếu, áp dụng các cơ chế ưu đãi của những luật khác như Luật Đầu tư, Luật Thuế...

"Từ giờ cho đến khi luật được ban hành chắc chắn sẽ còn sửa đổi nhiều vì luôn tìm ý tưởng nhằm mục tiêu phát triển, khả thi cho DN, tạo điều kiện cơ chế cho DN", ông Lịch nhấn mạnh.

Những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu tối đa, tổng hợp và tiếp tục nghiên cứu trong quá trình hoàn chỉnh dự án luật để trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 8 tới.

Nguyệt Minh

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN