Giảng viên trao đổi nội dung tập huấn với các hộ dân tại xã Đông Hoàng (Đông Hưng)
Tích tụ ruộng đất được coi là bước thứ hai sau dồn điền đổi thửa nhằm thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vốn, đưa máy móc, thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo điều kiện để thực hiện thành công đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh. Thực hiện chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm, thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ; đặc biệt, trong năm 2021 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 40 và Nghị quyết số 29 nhằm hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm, cơ giới hóa và tích tụ ruộng đất giai đoạn 2021 - 2025.
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến 6/2023 diện tích tích tụ, tập trung ruộng đất là 7.403,7 ha với trên 132 hộ tích tụ trên 10 ha, 318 hộ tích tụ từ 5-10 ha, 30 hộ tích tụ dưới 5 ha. Chỉ trong vòng 5 năm, con số (cả diện tích và số hộ tham gia) tích tụ ruộng đất đã tăng lên đáng kể. Huyện Quỳnh Phụ hiện là đơn vị đứng đầu với tổng diện tích tích tụ lên đén 1.520,8 ha.
Tại lớp tập huấn, các hộ dân được chia sẻ thông tin về tình hình tập trung ruộng đất tại các huyện trên địa bàn tỉnh, lợi ích đem lại từ chủ trương tích tụ ruộng đất gắn với liên kết sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị và cách áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Lớp tập huấn đã giúp nâng cao nhận thức của người dân góp phần đẩy mạnh quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh, đưa Thái Bình sớm trở thành tỉnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao và bền vững.