ThaiBinh Seed: Nửa thế kỷ nặng lòng với hạt lúa

Sau 50 xây dựng và phát triển, ThaiBinh Seed từ một doanh nghiệp nông lâm nhỏ đã vươn mình trở thành một trong những doanh nghiệp lớn mạnh đi đầu ngành giống cây trồng Việt Nam, làm rạng danh quê lúa Thái Bình.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed hay từng được biết tới dưới cái tên Công ty giống lúa Thái Bình thành lập vào năm 1972. Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, trong tình trạng chung của nền kinh tế, Công ty Giống cây trồng Thái Bình từng rơi vào giai đoạn khó khăn tưởng chừng không thế cứu vãn. Nhưng nhờ sự quyết tâm của cả một tập thể, năm 1987, Trại giống lúa cấp 1 Đông Cơ - Tiền Hải thuộc Công ty Giống cây trồng Thái Bình đã mạnh dạn đổi mới triển khai đề án khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động, bước đầu đưa năng suất lúa tăng vọt lên 20%/năm.

Tòa nhà Văn phòng và Trung tâm Thương mại 15 tầng của Tập đoàn ThaiBinh Seed.

Tòa nhà Văn phòng và Trung tâm Thương mại 15 tầng của Tập đoàn ThaiBinh Seed.

Năm 2004, ThaiBinh Seed là doanh nghiệp đi đầu cả nước trong quá trình cổ phần hóa trong ngành nông nghiệp. Sau giai đoạn này, công ty tiếp tục chứng minh sự tăng trưởng rõ rệt, nhiều hướng kinh doanh mới mở ra tạo tiền đề cho sự xuất hiện trong top 500 doanh nghiệp tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam.

Trải qua nhiều thăng trầm của thời đại, sự đầu tư bài bản, khoa học kết hợp định hướng tập trung phát triển cho các giống lúa thuần đã đưa ThaiBinh Seed trở thành doanh nghiệp sản xuất lúa giống chất lượng cao hàng đầu Việt Nam. Tổng công ty đã nghiên cứu, chọn tạo thành công và được công nhận gần 20 giống cây trồng mới có thể kể tới như TBR225, TBR279, Đông A1, TBR89, A Sào, Phúc Thái 168, QL301, ngô nếp TBM18…

Đặc biệt, sau 14 năm lai tạo, sản phẩm gạo chất lượng cao “Niêu vàng” ra đời năm 2018, trở thành thương hiệu gạo tám thơm duy nhất được sản xuất khép kín từ nghiên cứu, canh tác, sản xuất, tới đóng gói và phân phối đảm bảo sạch, an toàn. Không chỉ giữ được trọn vẹn hương thơm mà còn thắm đượm vị ngọt đậm tự nhiên của gạo. Công ty cũng đồng thời giới thiệu các sản phẩm gạo dinh dưỡng lứt tím ThaiBinh Seed mềm, dẻo, vị đậm được người tiêu dùng tin tưởng, ủng hộ.

Công ty cho ra đời nhiều sản phẩm lúa giống và gạo chất cao lượng cao.

Công ty cho ra đời nhiều sản phẩm lúa giống và gạo chất cao lượng cao.

Không chỉ tập trung vào cây lúa, đội ngũ ThaiBinh Seed thành công nghiên cứu giống ngô lai TBM18, chuyển gen kháng đạo ôn vào giống lúa BC15, chuyển gen kháng bạc lá vào giống lúa TBR225…, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới cơ cấu cây trồng, mùa vụ trong nông nghiệp Việt Nam.

Hiện ThaiBinh Seed là nguồn cung ứng lúa giống sáng giá tại miền Bắc, cung cấp 20% lượng giống lúa cho nông dân cả nước, riêng tại quê hương Thái Bình, các loại giống chủ lực của công ty chiếm tới 80% cơ cấu sản xuất. Tự hào hơn cả, ThaiBinh Seed đã xây dựng hơn 70 điểm liên kết sản xuất trên cả nước với diện tích 7.000 - 8.000 ha/năm, giúp nông dân tiêu thụ 25.000 - 30.000 tấn sản phẩm/năm, mang lại thu nhập cho các đơn vị liên kết lên tới 50 - 60 tỷ đồng/năm. Nhiều hộ nông dân sản xuất giống lúa đã có cơ hội đổi đời với mức thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Viện nghiên cứu hiện đại giúp ThaiBinh Seed cho ra thị trường nhiều cây giống cho năng suất cao.

Viện nghiên cứu hiện đại giúp ThaiBinh Seed cho ra thị trường nhiều cây giống cho năng suất cao.

Vốn là doanh nghiệp định hướng khoa học - công nghệ và nông nghiệp phải gắn liền với nhau mới có thể cho ra đời những loại giống mới tốt nhất, ThaiBinh Seed đã thành lập Viện Nghiên cứu cây trồng với quy mô “khủng” 153 ha. Đây là viện nghiên cứu đầu tiên trong một doanh nghiệp thuộc ngành giống cây trồng Việt Nam. Công ty kết hợp đầu tư hàng chục tỷ đồng mỗi năm để nghiên cứu, khảo nghiệm giống lúa các loại và thực hiện nhiều đề tài, dự án khoa học lớn cấp nhà nước.

Toàn cảnh một nhà máy chế biến hạt giống hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn của ThaiBinh Seed.

Toàn cảnh một nhà máy chế biến hạt giống hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn của ThaiBinh Seed.

Không dừng lại ở thị trường nội địa, ThaiBinh Seed hướng tới mở rộng quan hệ hợp tác trong khu vực và quốc tế nhằm quảng bá thương hiệu lúa giống Việt Nam. Cách đây 20 năm, Công ty đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên ở miền Bắc tham gia Hiệp hội Giống cây trồng châu Á - Thái Bình Dương (ASPA). Từ đó đến nay, ThaiBinh Seed duy trì mối quan hệ hợp tác thân thiết với nhiều viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành và các công ty thuộc khu vực ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Israel, Ấn Độ, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Bangladesh… Nhờ xây dựng nhà máy chế biến gạo lớn, hiện đại nhất Việt Nam, khép kín quy trình từ chọn tạo giống, gieo trồng, đến thu hoạch, chế biến, đóng gói và lưu trữ, ThaiBinh Seed đã sản xuất thành công đạt chứng nhận gạo chuẩn quốc tế, đáp ứng được yêu cầu khắt khê của các nhà nhập khẩu tại những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ.

Để có được tiếng tăm lớn mạnh như ngày hôm nay không thể không kể tới vai trò lãnh đạo của Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêmTổng Giám Đốc ThaiBinh Seed. Vị lãnh đạo sinh năm 1950 tại miền biển Thái Bình vốn xuất thân là một người lính. Khi chiến tranh đã qua đi, ông trở về quê hương và công tác tại Công ty giống lợn Thái Bình, sau đó ông chuyển sang làm tạp vụ tại Công ty giống cây trồng Thái Bình.

Dù đã được phân vị trí ổn định ông Báo vẫn kiên trì, nỗ lực theo đuổi mục tiêu trở thành kỹ sư nông nghiệp, tiếp tục theo học cấp trung học phổ thông và thi đỗ Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội vài năm sau đó. Thành tựu này đã mở ra cánh cửa giúp ông từng bước hiện thực hóa nhiều ý tưởng ấp ủ đã lâu, thỏa mãn đam mê với ruộng đồng quê hương.

Hành trình từ chiến trường đến thương trường, từ nhân viên tạp vụ đến Trại trưởng Trại sản xuất giống lúa Đông Cơ rồi Phó Giám đốc Công ty giống cây trồng Thái Bình quả thực không hề dễ dàng với ông Báo. Nhưng mọi nỗ lực đều được đèn đáp khi đến năm 2000 ông được bầu làm Giám đốc Công ty. Sau khi cổ phần hóa, ông trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed ngày nay.

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo trên đồng ruộng.

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo trên đồng ruộng.

Ông Trần Mạnh Báo luôn tâm niệm: “Nguyên tắc làm việc của tôi là luôn đặt quyền lợi của bà con nông dân, của cán bộ công nhân viên của công ty lên trên quyền lợi của cá nhân mình. Tôi tâm đắc một điều rằng, ThaiBinh Seed tồn tại vì lý do gì, nếu không phải là để nâng cao đời sống của người nông dân trên cả nước?”

Dưới sự lãnh đạo của ông, ThaiBinh Seed là đơn vị đầu tiên trong ngành giống cây trồng Việt Nam xây dựng thương hiệu riêng của doanh nghiệp vào năm 1989 và bộ nhận diện thương hiệu chuẩn Quốc tế. Chủ động hội nhập quốc tế trước khi Việt Nam tham gia WTO. ThaiBinh Seed cũng vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba, 10 Huân chương Lao động, Huân chương Chiến công hạng Ba, 3 lần được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, 2 lần được Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam, 4 lần được Giải thưởng Chất lượng Việt Nam, 3 lần được Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, Danh hiệu Bạn của nhà nông cùng nhiều Bằng khen của Bộ NN&PTNT, Bộ Công an, Bộ KH&CN, Tổng liên đoàn lao động, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình…

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải (bên phải) trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ThaiBinh Seed.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải (bên phải) trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ThaiBinh Seed.

Nhiều năm liền công ty luôn giữ vững vị thế dẫn đầu ngành nông nghiệp tỉnh, Đảng bộ Công ty nhiều năm liền đạt “Đảng bộ trong sạch vững mạnh xuất sắc”, Công ty đạt “Đơn vị văn hóa cấp tỉnh” cùng hàng trăm cúp, cờ, giấy khen của các ngành đoàn thể Trung ương và địa phương. Đặc biệt, ngày 4/12/2020, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Trần Mạnh Báo được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST) tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập của Tập đoàn ThaiBinh Seed.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập của Tập đoàn ThaiBinh Seed.

Hiện ông Trần Mạnh Báo đang giữ chức Ủy viên ban thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST). Việc thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam xuất phát từ những trăn trở có một nơi để tập hợp các doanh nghiệp khoa học công nghệ trên cả nước, để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có một sân chơi để trao đổi, giao lưu, chia sẻ, từ đó hướng tới mục tiêu chung là xây dựng phát triển nền khoa học công nghệ nước nhà. Hiện, VST đã thu hút sự tham gia của hơn 100 trên tổng số hơn 400 doanh nghiệp khoa học công nghệ trên cả nước.

P.V

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN