Thiết bị do các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London, Đại học Cambrigde và Đại học Leeds (nước Anh) cùng phát triển.
Thiết bị sử dụng dữ liệu về nồng độ CO2 và mật độ người trong cùng một không gian để dự đoán số người có nguy cơ phơi nhiễm nếu trong phòng có 1 người mắc COVID-19 không triệu chứng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng khi hô hấp, con người thở ra khí CO2, do đó nồng độ CO2 trong phòng cao. Điều này cũng cho thấy mật độ người trong phòng cao và hệ thống thông gió kém hiệu quả. Vì vậy, nồng độ CO2 có thể là một dấu hiệu phản ánh chất lượng không khí trong không gian kín có đủ thông thoáng hay không để từ đó người ta đưa ra giải pháp như cải thiện hệ thống thông khí hoặc giảm số lượng người có mặt cùng lúc trong phòng.
Dữ liệu quan sát được từ thiết bị cho thấy việc giảm 50% mật độ người trong phòng có thể giảm được 4 lần nguy cơ lây truyền virus trong không khí.
TS. Henry Burridge tại Đại học Hoàng gia London (tác giả nghiên cứu) cho biết việc theo dõi nồng độ CO2 trong các không gian chung như văn phòng và lớp học có thể đánh giá rủi ro phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 khi số lượng người trong phòng thay đổi. Do đó, việc cải thiện hệ thống thông khí trong các không gian kín nơi công cộng là rất quan trọng.
Theo TTXVN, kết quả một nghiên cứu công bố hồi tháng 1/2022 tại New Zealand cho thấy việc mở cửa chính và cửa sổ của các phòng học là cách tốt nhất để tăng lưu thông khí trong các lớp học. Điều kiện thông khí tốt sẽ giúp đưa khí thoáng sạch từ bên ngoài vào bên trong và ngăn chặn nguy cơ không khí ô nhiễm quẩn trong không gian kín./.