Đó là nội dung chính của Hội thảo “Thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ” diễn ra chiều ngày 07/9/2023, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp tổ chức tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đồng chủ trì Hội thảo.
Việt Nam đón dòng vốn đầu tư mới trong lĩnh vực CNC
Hội thảo là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động tổng kết 35 năm thu hút ĐTNN tại Việt Nam trong năm 2023. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, 35 năm qua, ĐTNN luôn khẳng định được vai trò là khu vực kinh tế năng động, có đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ bản nền kinh tế. Đồng thời, ĐTNN đã tác động tích cực đến cải cách, đổi mới thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bộ máy quản lý nhà nước, cải thiện uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông phát biểu tại Hội thảo.
Hiện nay, Việt Nam có trên 38.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 453 tỷ USD; vốn thực hiện lũy kế ước đạt gần 287 tỷ USD, bằng 63,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Riêng trong 8 tháng năm 2023, chúng ta đã thu hút được trên 1.900 dự án mới, 830 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư và 22.268 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng vốn đăng ký gần 18,15 tỷ USD.
Thời gian qua, việc thu hút ĐTNN trong lĩnh vực CNC và thúc đẩy CGCN tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực. Việt Nam đã bước đầu đón dòng vốn đầu tư mới trong lĩnh vực CNC như Intel, Samsung… Việc các tập đoàn công nghệ toàn cầu đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Việt Nam, khiến thị trường nội địa đang mở rộng nhanh chóng.
Cùng với đó, doanh nghiệp ĐTNN cũng là nhân tố thúc đẩy doanh nghiệp trong nước cải thiện năng suất, đổi mới công nghệ thông qua áp lực cạnh tranh, áp dụng các mô hình sản xuất mới của doanh nghiệp ĐTNN để phát triển và thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa. Các doanh nghiệp trong nước đang từng bước được tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp ĐTNN, ví dụ như số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho rằng, thu hút ĐTNN được xem là một trong những điểm sáng, là thành tựu nổi bật của Việt Nam kể từ khi thực hiện Chính sách Đổi mới theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần VI, năm 1986. Đến nay, thu hút ĐTNN đã có những đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, tạo nhiều công ăn, việc làm cho người dân, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách cho Nhà nước.
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm tiếp tục đẩy mạnh, thu hút hiệu quả đầu tư FDI như: Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030; Luật CGCN năm 2017; Luật Đầu tư năm 2020; Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg ngày 06/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt; Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 02/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược hợp tác ĐTNN giai đoạn 2021 - 2030…
Các quy định của Đảng, chính sách của Nhà nước được ban hành nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn ĐTNN; thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.
Cần có môi trường để lan tỏa chính sách, tác động đến đối tượng thụ hưởng
Ông Đặng Đình Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ KH&CN trình bày tham luận tại Hội thảo.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Đặng Đình Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ KH&CN cho biết, từ 01/7/2018 đến hết năm 2022, cả nước có trên 400 hợp đồng CGCN của các doanh nghiệp FDI, chủ yếu là các hợp đồng CGCN của các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ, ASEAN. Các hợp đồng CGCN chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất điện tử, viễn thông, ô tô, xe máy, dược phẩm, thiết bị y tế, hóa dầu, mỹ phẩm, đồ uống, sinh học, chăn nuôi, khai thác chế biến khoảng sản, xây dựng.
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu cũng còn một số hạn chế như: việc cập nhật công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho R&D còn hạn chế; mục tiêu về CGCN chưa đạt được như mong đợi; sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới; liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chưa chặt chẽ...
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, để tận dụng lợi thế của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những cơ hội chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, tiến bộ KHCN&ĐMST, Việt Nam đã xác định KHCN&ĐMST là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất.
Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ về hoạt động CGCN.
Bàn về các giải pháp thu hút ĐTNN trong lĩnh vực CNC và thúc đẩy CGCN, nhiều đại biểu cho rằng, cần nhìn nhận đầy đủ về thu hút ĐTNN nói chung và thu hút ĐTNN trong lĩnh vực CNC. ĐTNN vẫn là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam và luôn được khuyến khích, tạo điều kiện lâu dài, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng với khu vực kinh tế khác. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, xây dựng cơ chế chính sách về ĐTNN phù hợp với xu hướng phát triển, tiếp cận tiêu chuẩn tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế. Cần có môi trường để lan tỏa chính sách, tác động đến các đối tượng thụ hưởng.
Toàn cảnh Hội thảo.
Bên cạnh đó, chủ động rà soát các chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút ĐTNN; cần có chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp từng giai đoạn, trong đó có quy định liên quan đến phát triển các ngành CNC, gắn với CGCN và các ưu đãi; tạo được môi trường đầu tư kinh doanh nói chung theo hướng thông thoáng, thuận lợi, tiệm cận thông lệ quốc tế. Hoàn thiện các luật chuyên ngành liên quan trực tiếp đến CNC, CGCN. Sửa đổi cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển, có cơ chế về ưu đãi đất, thuế, tiêu chí về nguồn nhân lực, dự án đầu tư... Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường tính liên kết giữa các viện - trường - doanh nghiệp; rà soát cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, nghiên cứu, tiếp thu, CGCN để có chỗ đứng trong thị trường và trở thành nhà cung cấp của các doanh nghiệp CNC nước ngoài...