Thử nghiệm sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ táo Mèo và chùm ngây với việc ứng dụng công nghệ sấy bằng hồng ngoại đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng Tây Bắc

Các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu tự nhiên ngày càng được sử dụng trên thế giới do có ít những tác động có hại và tạo sức khỏe, phù hợp với sinh lý cơ thể người sử dụng. Hiện nay, sản phẩm sản xuất từ các loại dược liệu và rau dinh dưỡng như táo mèo và chùm ngây… được ưa chuộng và phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước phương Tây. Ngành Đông dược của Việt Nam có lịch sử lâu đời, cổ truyền và có bản sắc riêng để phòng và chữa bệnh cho con người. Theo ước tính Việt Nam có trên 4.000 loại thực vật bậc cao, rất nhiều loài trong đó đặc hữu của vùng Tây Bắc được đùng trong ngành Đông dược để làm thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng, thế nhưng hiện trạng các sản phẩm Đông dược trong nước chủ yếu được sử dụng trong Y học cổ truyền và Y học dân gian Việt Nam. Hiện nay, giá trị gia tăng từ các sản phẩm có nguồn gốc từ Táo mèo và Chùm ngây tại Tây Bắc Việt Nam còn thấp do chưa có công nghệ và thiết bị chế biến sau thu hoạch, việc nghiên cứu và đầu tư để biến các thảo mộc này thành các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe mở ra một tiềm năng mới về các loại dược phẩm có nguồn gốc từ thảo dược và tiềm năng xuất khẩu rất lớn đem lại giá trị gia tăng cao và thu nhập nhằm xóa đói giảm nghèo cho các tỉnh vùng Tây Bắc.

Hình ảnh: Cây Táo mèo

Trước tình hình thực tế đó, nhóm đề tài do TS. Trần Ngọc Hưng, Công ty cổ phần viện máy và dụng cụ công nghiệp đứng đầu đã thực hiện Dự án thử nghiệm mang tên: “Thử nghiệm sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ táo Mèo và chùm ngây với việc ứng dụng công nghệ sấy bằng hồng ngoại đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng Tây Bắc”.

Sau một thời gian triển khai, dự án thu được một số kết quả như sau:

- Đã hoàn thiện được công nghệ chế biến trà và bột dinh dưỡng từ Táo mèo và Chùm ngây, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu;

- Đã hoàn thiện được thiết kế và chế tạo dây chuyền thiết bị sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ Táo mèo và Chùm ngây;

- Đã tạo được mô hình vùng trồng Táo mèo và Chùm ngây với diện tích mô hình thực nghiệm

Với dây chuyền công nghệ của dự án, đặc biệt là nhờ có lò sấy bằng công nghệ hồng ngoại, nhiệt độ được duy trì thấp, không làm ảnh hưởng tới các thành phần của dược liệu, không làm mất vi lượng đặc biệt là Vitamin, không gây ra các chất làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, sản phẩm sản xuất ra đều đạt được tiêu chuẩn ngặt nghèo của các nước phương Tây và Mỹ. Hơn nữa, cách thức làm trà túi lọc và bột dinh dưỡng cũng rất phù hợp với thói quen ăn uống nhanh gọn của người phương Tây và thích hợp sử dụng trong các chuyến bay, chuyến tàu và các hệ thống nhà hàng, quán cafe.

Dự án khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ Táo mèo và Chùm ngây tại vùng Tây Bắc, từ đó sẽ tạo ra sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh này. Ngoài việc thúc đẩy trồng các loại cây đem lại giá trị kinh tế lớn, góp phần vào quy hoạch phát triển lâm nghiệp của từng tỉnh, dự án còn góp phần quảng bá được đặc sản của vùng Tây Bắc.

Việc khai thác tối đa bền vững nguồn nguyên liệu táo mèo tại địa phương và tận dụng điều kiện tự nhiên, diện tích vùng tiến hành trồng nguyên liệu chùm ngây để sản xuất thành hàng hóa sẽ tăng thu nhập, phát triển bền vững kinh tế vùng. Cung cấp được các sản phẩm chế biến có chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, rất tốt cho sức khỏe con người sử dụng

Kết quả của dự án góp phần tạo ra sản phẩm trà dược liệu táo mèo mới và bột dinh dưỡng chùm ngây chất lượng cao để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16659/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN