Tìm kiếm tài nguyên ẩn từ khoáng thạch

(Chinhphu.vn) - Từ quá trình nghiên cứu liên ngành hơn hai năm qua, các nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam về địa chất, khoáng bọc, thạch học, ngọc học, sinh học, hạt nhân, triết học,… trong chương trình nghiên cứu thạch học nhân sinh đã công bố các nghiên cứu cơ bản bước đầu về giá trị quang năng và vi dược lý của khoáng thạch trong Hội thảo Quốc tế thường niên về Triết học trị liệu và Thạch lý học năm 2021 với chủ đề: “Quang năng trị liệu và vi dược lý trị liệu”.
Các đại biểu tham gia Hội thảo

Hội thảo Quốc tế thường niên về Triết học trị liệu và Thạch lý học năm 2021 do Viện Triết học Phát triển và Trung tâm Thạch học Nhân sinh đồng tổ chức ngày 30/12 theo hình thức trực tuyến. Hội thảo thu hút hơn 70 nhà khoa học tham gia bài viết và tham luận đến từ Việt Nam, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Saudi Arabia, Singapore, Malaisia…

Hội thảo phân tích và đánh giá thạch lý học trị liệu là một ngành khoa học mới mẻ ở châu Á và thế giới, một dạng tài nguyên quan trọng cần được quan tâm nghiên cứu và ứng dụng.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, thay mặt của Ban Tổ chức, TS. Nguyễn Hoài Vũ, Phó Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển, nêu bật các giá trị quan trọng của chương trình Hội thảo Quốc tế thường niên về Triết học trị liệu và Thạch lý học, nổi bật là trao đổi và gợi mở các tri thức khoa học chuyên sâu về giá trị của hệ khoáng - thạch - ngọc trên địa cầu.

Phân tích sâu về các giá trị của dạng tài nguyên này, ông Rowan Ong, Chủ tịch Hội Cartomancy Singapore đã trình bày tại hội thảo những cơ sở khoa học cổ đại của nguyên lý thạch lý học trị liệu. Qua các bài viết đăng tải trong kỷ yếu Hội thảo, một số tác giả nước ngoài như Gilles Marc Serrano - Chủ tịch Hội Hữu nghị Touraine Việt Nam (Pháp), cũng luận giải sâu về vai trò của quang năng trị liệu bên cạnh vi dược lý trị liệu trong quá trình phát triển và tiến hóa của nhân loại. Việc tìm cách bảo tồn, khai thác hợp lý và ứng dụng các giá trị tiềm ẩn trong thạch quyển là một định hướng khoa học vi lượng rất cần được quan tâm nghiên cứu.

Trong phần trình bày của mình, các học giả Việt Nam nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của việc tác động thang hạ nguyên tử trong thạch lý học (PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân), hàm lượng giá trị ẩn bên trong so với giá trị hiện bên ngoài của đá quý trong thạch quyển (ThS.Lê Ngọc Năng, Giám đốc Trung tâm Ngọc học LIU), làm rõ thêm những nguyên lý khoa học cơ bản về thạch học có thể được xem là nền tảng lý luận và phương pháp luận cho các nghiên cứu thạch học và ngọc học sau này (GS.TS Tạ Hòa Phương - Chủ tịch Hội Cổ sinh Địa tầng Việt Nam); mối quan hệ giữa nhân học và thạch học, với nền tảng vật lý là các tần số rung động (TS. Hồ Bá Thâm, Phó Giám đốc Trung tâm Thạch học Nhân sinh); mối quan hệ giữa màu sắc và tần số quang năng tác động đến con người (TS. Ngô Hồ Anh Khôi từ Trung tâm UNESCO Khoa học Nhân văn và tác giả Hầu Lâm Phùng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triết học Tôn giáo và Tín ngưỡng).

Kết luận hội thảo, TS. Nguyễn Huỳnh Thanh, Viện trưởng Viện Triết học Phát triển, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội thảo, cho rằng chuỗi Hội thảo Quốc tế thường niên về Triết học trị liệu và Thạch lý học đã phát huy được giá trị khoa học và thực tiễn của mình từ những nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng. Đây là phương pháp luận xuyên suốt và nhất quán của chuỗi hội thảo khoa học này. Qua đó góp phần khuyến nghị các chính sách phát triển ở Việt Nam và thế giới hài hòa bền vững với giới tự nhiên.

Hội thảo gửi đi thông điệp về yêu cầu bảo tồn và khai thác hợp lý giá trị ẩn bên trong thạch quyển, đá nói chung và đá quý nói riêng trong nền văn minh đương đại./.

Theo : baochinhphu.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN