Nhiều trường đại học Việt Nam đã và đang triển khai các chương trình hợp tác đào tạo bậc thạc sĩ, tiến sĩ và xây dựng Trung tâm nghiên cứu chung với Đại học Công nghệ Sydney. |
Dự án được phát triển thông qua sự phối hợp giữa Đại học Công nghệ Sydney, Cục Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong khuôn khổ chương trình, các đơn vị sẽ tổ chức chuỗi sự kiện quy tụ các nhà lãnh đạo, chuyên gia ở nhiều lĩnh vực nhằm thảo luận về những vấn đề trọng yếu trong phát triển công nghệ, hợp tác đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay.
Giáo sư Nghiêm Đức Long, Giám đốc Trung tâm Công nghệ về tài nguyên nước và xử lý nước thải tại Đại học Công nghệ Sydney cho biết: “Chương trình sẽ đi sâu thảo luận các vấn đề như: phương thức chuyển đổi cho phát triển bền vững, những thách thức và cơ hội của thành phố thông minh, tiềm năng của kinh tế tuần hoàn và công nghệ xanh, cũng như vai trò quan trọng của việc quản lý nguồn nước và hợp tác quốc tế”.
Phiên thảo luận về thành phố thông minh, hoạt động đầu tiên của chuỗi hội thảo, sẽ khám phá về sự chuyển đổi từ cơ sở hạ tầng truyền thống sang phương pháp tiếp cận tích hợp vật lý-kỹ thuật số.
Tại đây, nhóm chuyên gia sẽ đưa ra các góc nhìn đa chiều về những yếu tố cốt lõi để hình thành một thành phố thông minh, tích hợp tính bền vững vào quy hoạch đô thị và các dự án. Đồng thời, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên thông qua công nghệ, con người và tài nguyên thiên nhiên.
Bên cạnh thành phố thông minh, kinh tế tuần toàn và công nghệ xanh cũng là chủ đề được giới nghiên cứu trong nước và quốc tế quan tâm. Phiên thảo luận này sẽ phân tích toàn bộ chuỗi cung ứng, tìm hiểu sâu hơn về các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ và ngành công nghiệp mới tại Việt Nam.
Giáo sư Damien Giurco, Viện Tương lai bền vững, Đại học Công nghệ Sydney nhận định: “5 năm tới sẽ là giai đoạn then chốt cho sự chuyển đổi của xã hội thông qua việc đổi mới sáng tạo, đầu tư vào những kỹ năng tương lai và hướng đến tư duy bền vững. Phiên thảo luận này sẽ tập trung vào việc làm rõ phương thức để triển khai công nghệ xanh, kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh chính sách hiện hành và tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng mới”.
Ngoài ra, trong phiên thảo luận cuối cùng, những vấn đề chung quanh việc quản lý tài nguyên nước và hợp tác quốc tế sẽ được trao đổi.
“Bằng việc hợp tác với các quốc gia và tham gia vào các tổ chức quốc tế, Việt Nam có thể tận dụng chuyên môn trong quản lý tài nguyên nước, công nghệ và các giải pháp đổi mới sáng tạo. Khung hợp tác này không chỉ tạo điều kiện cho việc trao đổi kiến thức mà còn góp phần phát triển các giải pháp phù hợp. Từ đó, mang lại những lợi ích lâu dài cho Việt Nam trong việc đối phó với các thách thức về nguồn nước trước tình hình biến đổi khí hậu và nhu cầu ngày càng gia tăng”, Tiến sĩ Nicola Nelson, Trưởng Ban Dự án và đối tác quốc tế của Hiệp hội Tài nguyên nước Australia thông tin thêm.
NGỌC ANH