Thông tin được chia sẻ tại buổi làm việc của Bộ Khoa học và Công nghệ do Thứ trưởng Trần Hồng Thái làm trưởng đoàn với UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 28/6. Buổi làm việc đánh giá kết quả hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2024, tháo gỡ khó khăn, đề xuất, kiến nghị và giải pháp cùng các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tới.
Báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh dẫn nhiều kết quả, cho thấy từ năm 2020 tỉnh thực hiện nhiều nghiên cứu, trong đó có 2 nhiệm vụ thuộc chương trình Quỹ Gene và 11 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi, khoảng gần 90 đề tài, dự án. Các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng giúp từng bước làm chủ được công nghệ chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt thích ứng rộng vào sản xuất. Bên cạnh ứng dụng chuyển giao công nghệ cao sản xuất lan hồ điệp, sâm Bố chính, các giống tôm càng xanh, nhiều kỹ thuật được áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế như công nghệ sản xuất nhà màng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nuôi tôm trong bể xi măng, ao bạt.
Trong lĩnh vực Y dược nghiên cứu các loài thảo dược có khả năng hạn chế một số bệnh ung thư thường gặp, ứng dụng "Yoga trị liệu Việt Nam" để phục hồi chức năng cho bệnh nhân di chứng tai biến mạch máu não. Nhiều kết quả nghiên cứu về dược phẩm được sản xuất thương mại hóa ra thị trường.
Hướng đi của tỉnh cũng chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học xử lý môi trường, sản xuất phân bón hữu cơ; ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất rau quả, chế biến nông sản thực phẩm. Nhiều công nghệ mới được ứng dụng như công nghệ cào bóc gia cố và tái chế nguội tại chỗ lớp phủ vữa nhựa polime, sản xuất ống bê tông, gạch không nung và cấu kiện bê tông hay chế biến nước mắm bằng hệ thống cấp nhiệt sử dụng năng lượng mặt trời...
Các nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới công nghệ đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là trong phát triển sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương. Hiện tỉnh có 16 sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu cộng đồng, 6 sản phẩm được hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ như sản phẩm bưởi Phúc Trạch, nhung hươu Hương Sơn, cam Thượng Lộc, cam Vũ Quang, kẹo Cuđơ Hà Tĩnh, nước mắm Kỳ Ninh. Trong đó, 2 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là bưởi Phúc Trạch và nhung hươu Hương Sơn.
Kết quả Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) 2023, Hà Tĩnh xếp hạng thứ 42, tăng trưởng GRDP 2022 đạt 91.911 tỷ đồng. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh năm 2023 đứng thứ 15/63 tỉnh thành cả nước và cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cũng nhìn nhận năng lực khoa học công nghệ của tỉnh còn hạn chế, chưa gắn kết nghiên cứu và ứng dụng, chưa có sản phẩm khoa học công nghệ mũi nhọn; việc đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học hàng năm ít, đề tài dự án chất lượng chưa cao, thiếu tính ứng dụng.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tới, Hà Tĩnh đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ một số nhiệm vụ khoa học công nghệ về phát triển bền vững kinh tế biển, phát triển tài sản trí tuệ sản phẩm đặc hữu, nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, tháo gỡ những khó khăn về cơ chế tài chính hỗ trợ chương trình đề án về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ như chế biến sâu sản phẩm từ hươu Hương Sơn, cây dó trầm...
Thứ trưởng Trần Hồng Thái ghi nhận những kết quả Hà Tĩnh đạt được. Trong đó công tác quản lý khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được Hà Tình triển khai toàn diện trên các lĩnh vực, có nhiều đổi mới trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và đạt nhiều kết quả nổi bật, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Các kết quả báo cáo cho thấy khoa học công nghệ bám sát, phục vụ thiết thực cho các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển.
Song Thứ trưởng Thái nhìn nhận còn khó khăn, vướng mắc khiến hoạt động khoa học công nghệ của tỉnh chưa phát triển tương xứng với lợi thế, tiềm năng. Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình, nhiệm vụ, nghiên cứu ứng dụng thành tựu tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của địa phương.
Ông gợi ý các giải pháp trọng tâm như tăng cường đầu tư tiềm lực cho khoa học công nghệ, thu hút nguồn lực, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ. "Tỉnh Hà Tĩnh cần tích cực đề xuất các nhiệm vụ giải quyết các bài toán lớn mang tính liên ngành, phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sản phẩm theo chuỗi giá trị, đồng thời đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo", Thứ trưởng Thái nhấn mạnh.
Như Quỳnh