Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái phát biểu tại tọa đàm. |
Tọa đàm nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam (18/5) và 65 năm ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ, với sự tham gia của hơn 30 nhóm nghiên cứu uy tín, từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu định hướng ứng dụng và nghiên cứu ứng dụng công lập, ngoài công lập, ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái khẳng định, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước luôn coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Trong khoảng 10 năm gần đây, nền khoa học, công nghệ của nước nhà đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tỷ lệ công trình công bố trên tạp chí quốc tế uy tín (bài báo quốc tế) tăng khoảng 20%, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 18.000 bài báo quốc tế, thể hiện tiềm năng, năng lực nghiên cứu của đất nước ngày càng phát triển, nằm trong các nước dẫn đầu về nghiên cứu của Đông Nam Á.
Quang cảnh tọa đàm. |
Các kết quả đáng khích lệ trên là cơ sở để nền khoa học nước nhà hướng tới những bước phát triển ở cấp độ cao hơn, trong đó có việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nhóm nghiên cứu xuất sắc.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của các nhóm nghiên cứu xuất sắc, trong các chương trình khoa học, công nghệ cấp quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ không ưu tiên đầu tư, tài trợ cho các nghiên cứu chỉ đặt mục tiêu là công bố quốc tế, mà quan tâm đến việc nâng cao năng lực nghiên cứu cho các nhà khoa học trẻ tài năng.
Một thí dụ minh họa là hiện nay tỷ lệ các nhà khoa học trẻ tham gia các đề tài của Quỹ NAFOSTED đã trên 50%, và Bộ đang hướng tới mục tiêu tỷ lệ này đạt trên 70%. Bên cạnh đó, Bộ còn tập trung xây dựng các nền tảng cần thiết cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc như đầu tư nghiên cứu dài hạn, tránh dàn trải, đồng thời chú trọng tính liên ngành của các lĩnh vực nghiên cứu.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho biết, một số hướng nghiên cứu có ý nghĩa chiến lược sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ ưu tiên trong thời gian tới là năng lượng nguyên tử, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình; công nghệ bán dẫn; công nghệ sinh học; khoa học xã hội và nhân văn; y học; nông nghiệp. Trong mỗi lĩnh vực, đối với từng giai đoạn phát triển, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đưa ra những mục tiêu cụ thể và đồng hành với các nhóm nghiên cứu xuất sắc để thực hiện được các mục tiêu này.
Tọa đàm lần này đã góp phần thể hiện thông điệp của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc đẩy mạnh các nhóm nghiên cứu xuất sắc. Đây chính là sự kết nối lâu dài, duy trì sự ổn định để cho các cơ sở nghiên cứu có điều kiện tồn tại và phát triển trong tương lai. Bởi chỉ khi phát triển và duy trì được các nhóm nghiên cứu xuất sắc, các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở giáo dục và đào tạo mới có thể phát huy tốt hơn nữa các hướng nghiên cứu, phát triển các mã ngành đào tạo phù hợp với xu thế của thời đại và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Tại tọa đàm, các nhà khoa học đại diện cho một số nhóm nghiên cứu mạnh cũng trình bày về quá trình hình thành và phát triển của một số nhóm nghiên cứu mạnh, thông qua các trường hợp cụ thể như: Trung tâm Nghiên cứu công nghệ môi trường và Phát triển bền vững (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia về Lọc hóa dầu (Bộ Công thương), Trung tâm Nano và Năng lượng (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm nghiên cứu Y học Việt-Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cũng như thảo luận về sự phát triển của các nhóm nghiên cứu khối ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Từ những vấn đề đã gặp phải trong thực tiễn, các nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số kiến nghị liên quan đến cơ chế tài chính cho hoạt động tài trợ nghiên cứu khoa học, hỗ trợ cho các cơ sở nghiên cứu ứng dụng vượt qua “thung lũng chết” sau khi đã có sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa, được bảo hộ sáng chế trong và ngoài nước.
Giáo sư Ngô Việt Trung, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. |
Những đề xuất đó cho thấy cần phải có một chương trình quốc gia về phát triển nhóm nghiên cứu xuất sắc. Theo bà Nguyễn Thị Thu Oanh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và định giá công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong nhiều năm trước đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã từng thảo luận và cử cán bộ đi học ở các quốc gia có nền khoa học, công nghệ tiên tiến để học tập kinh nghiệm xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, nhưng vẫn chưa xây dựng được một chương trình tổng thể quốc gia. Bên cạnh sự cần thiết của chương trình này, các nhà hoạch định chính sách và cơ quan chức năng cần phải thảo luận chi tiết hơn về cách điều hành quản lý, đánh giá tuyển chọn, tài trợ, với các tiêu chí phù hợp, quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch nhưng tạo điều kiện tối đa cho các nhà nghiên cứu.
Phát biểu tổng kết tọa đàm, ông Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Quỹ NAFOSTED cho biết đã ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học tại tọa đàm phục vụ quá trình xây dựng và điều chỉnh các chính sách của Quỹ, trên cơ sở đó sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ để đề xuất, tham mưu những chủ trương và chính sách phù hợp hỗ trợ các nhóm nghiên cứu xuất sắc trong tương lai.
HÀ LINH