Việt Nam - Australia: Giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu bằng các giải pháp KH,CN&ĐMST

Quốc Khánh
Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam xác định đổi mới sáng tạo (ĐMST) là một trụ cột mới trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, góp phần tăng cường quan hệ song phương. Quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Australia nói chung và quan hệ hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) Việt Nam - Australia nói riêng trong thời gian qua đã và đang phát triển mạnh mẽ.

Từ ngày 01-02/11/2024, tại Hà Nội, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Đại học công nghệ Sydney tổ chức Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy hợp tác công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Australia”. Hội thảo nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa hai nước để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu bằng các giải pháp KH,CN&ĐMST như: biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, phát triển đô thị thông minh...

Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski, Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghệ Sydney Andrew Parfitt cùng đại diện từ các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức thúc đẩy ĐMST của hai nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết, tại Việt Nam, Đảng và Chính phủ xác định KH,CN&ĐMST đóng vai trò, sứ mệnh đặc biệt quan trọng, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại Hội thảo.

Thời gian qua, Việt Nam đã tập trung xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật về KH,CN&ĐMST nhằm hoàn thiện môi trường thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KH,CN&ĐMST; tiềm lực KH&CN đã được cải thiện cả về số lượng tổ chức, nhân lực và nguồn lực đầu tư cho KH&CN, trong đó tỷ trọng đầu tư từ khu vực doanh nghiệp ngày càng tăng; doanh nghiệp được xác định là trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia, viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Các điều kiện khung cho phát triển hệ thống ĐMST quốc gia đã được hình thành, bao gồm hành lang pháp lý và cơ sở hạ tầng như: Các chính sách về đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, đổi mới hoạt động KH,CN&ĐMST, phát triển các quỹ hỗ trợ, tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh và đào tạo, hình thành các trung tâm ĐMST ở cấp quốc gia và địa phương... Hệ sinh thái KNST ngày càng phát triển mạnh mẽ, năng động, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và tiếp cận thị trường toàn cầu. Kết quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ được khẳng định thông qua Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2024 cho thấy, Việt Nam tiếp tục tăng 2 bậc so với năm 2023, xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế. Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả ĐMST cao hơn so với mức độ phát triển.

Thứ trưởng Hoàng Minh cũng cho biết, hiện nay Việt Nam đang tập trung hoàn thiện các chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, đặc biệt là các chính sách liên quan đến phát triển công nghệ và thử nghiệm có kiểm soát các công nghệ mới, sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới.

Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam xác định ĐMST là một trụ cột mới trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, góp phần tăng cường quan hệ song phương. Quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Australia nói chung và quan hệ hợp tác về KH,CN&ĐMST Việt Nam - Australia nói riêng trong thời gian qua đã và đang phát triển mạnh mẽ.

Việt Nam và Australia đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào đầu năm 2024, mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho hai nước. Do vậy, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc cụ thể hóa các định hướng hợp tác giữa hai Bên, thúc đẩy kết nối giữa các cơ quan, doanh nghiệp, nhà khoa học nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giải quyết nhiều vấn đề thách thức hiện nay trên toàn cầu như: ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, phát triển xanh dựa trên KH,CN&ĐMST.

Thứ trưởng Hoàng Minh khẳng định, Bộ KH&CN Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng nhà khoa học, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và các đối tác quốc tế trong các hoạt động KH,CN&ĐMST. Đồng thời, Bộ KH&CN hoan nghênh sự tham gia ủng hộ, hợp tác của các đối tác quốc tế, trong đó có vai trò quan trọng của các đại học uy tín trên thế giới, trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ĐMST để thúc đẩy phát triển hệ thống ĐMST quốc gia tại Việt Nam.

Trong hai ngày diễn ra Hội thảo, các chủ đề chính được thảo luận gồm: Thành phố thông minh - hạ tầng công nghệ, tài nguyên và bền vững; kinh tế tuần hoàn và công nghệ xanh; công nghệ quản lý nước và đổi mới sáng tạo. Những chủ đề này không chỉ có giá trị đối với sự phát triển của Việt Nam mà còn thúc đẩy việc thực thi của hai quốc gia trong các cam kết quốc tế.

Phiên thảo luận về chủ đề: Thành phố thông minh - Hạ tầng công nghệ, tài nguyên và bền vững.

Bên cạnh đó, các hoạt động giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia, cựu du học sinh Việt Nam tại Australia, các tổ chức thúc đẩy KH,CN&ĐMST diễn ra trong khuôn khổ sự kiện.

Tại Hội thảo, đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Công nghệ Sydney và Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác nghiên cứu, trao đổi chuyên gia để đẩy mạnh KH,CN&ĐMST hướng đến phát triển bền vững của hai nước.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Công nghệ Sydney và Đại học Bách khoa Hà Nội.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN